Thành phố mới Bình Dương là tên của một đề án xây dựng đô thị trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị tỉnh Bình Dương. Thành phố mới Bình Dương được xây dựng mới hoàn toàn không dùng tiền ngân sách và sẽ là trung tâm hành chính mới của Bình Dương thay cho thành phố Thủ Dầu Một
Sau hơn 20 năm thực hiện bước đột phá về thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, hiện Bình Dương được đánh giá là một tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển chưa tương xứng. Vì vậy đầu tư phát triển thành phố mới Bình Dương sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ, tạo tiền đề để phát triển công nghiệp bền vững.
dự kiến đến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ được chuyển thành thành phố Bình Dương, là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương với 6 quận, 4 huyện (gồm 60 phường, 13 thị trấn và 40 xã).[2]
Lộ trình nâng cấp đô thị Bình Dương theo các giai đoạn cụ thể như sau:[3]
• Thành phố Thủ Dầu Một: giai đoạn 2011-2015: đô thị loại II, cấp quản lý hành chính thành phố trực thuộc tỉnh; giai đoạn 2016-2020: đô thị loại I, tách và thành lập Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã mới.
• Thị xã Thuận An: giai đoạn 2011-2015: công nhận đô thị loại III; giai đoạn 2016-2020: đô thị loại II, chuyển xã ngoại ô thành phường.
• Thị xã Dĩ An: giai đoạn 2011-2015: công nhận đô thị loại III; giai đoạn 2016-2020: đô thị loại II.
• Huyện Bến Cát và Tân Uyên: giai đoạn 2011-2015: chia tách thành huyện phía Bắc và thị xã phía Nam, công nhận đô thị loại IV; giai đoạn 2016-2020: công nhận các thị xã phía Nam thành đô thị loại III.
• Huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo: giai đoạn 2011-2015: điều chỉnh địa giới xã, thành lập thị trấn và xã mới; giai đoạn 2016-2020: huyện Dầu Tiếng có 13 xã, 4 thị trấn và là đô thị loại IV, huyện Phú Giáo có 10 xã, 4 thị trấn và là đô thị loại IV.
Quá trình tăng tốc phát triển kinh tế của Bình Dương bắt đầu thực hiện cách đây 20 năm. Qua quá trình thực hiện đã đưa tỉnh Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, với mức tăng trưởng GDP bình quân nhiều năm luôn cao gấp đôi cả nước và gấp 1,5 lần các tỉnh thành trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, có thể nhận thấy công nghiệp Bình Dương có hàm lượng gia tăng thấp, bởi phần lớn là công nghiệp mang tính gia công. Mặc khác, cơ cấu phát triển thương mại dịch vụ, với phát triển công nghiệp chưa xứng tầm. Cụ thể giá trị ngành thương mại dịch vụ hàng năm chỉ chiếm gần ½ so với giá trị của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Riêng năm 2013, cơ cấu ngành công nghiệp chiếm 61,3%, trong khi đó lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm khoảng 36%. Đây chính là những hạn chế lớn, đồng thời làm cho sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước gặp khó khăn, khó có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Việc phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu đổi mới và hội nhập thế giới, trong đó có phát triển công nghiệp làm đòn bẩy, trở thành quy luật tất yếu ở nhiều quốc gia. Bởi từ phát triển công nghiệp sẽ tạo đà cho phát triển thương mại dịch vụ và phát triển về đô thị, Bình Dương cũng không đi ngoài quy luật tất yếu đó. Tuy nhiên địa phương đã sớm nhận ra được những bất cập về tương lai phát triển kinh tế và đã thực hiện đi tắt đón đầu. Do vậy, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh đã có những chủ trương, ưu tiên thu hút các dự án phát triển công nghiệp kỹ thuật cao và chú trọng đẩy mạnh phát triển ngành thương mại và dịch vụ. Đồng thời xác định muốn phát triển kinh tế bền vững, thì ngành thương mại dịch cần phải tăng tốc trong giai đoạn hiện nay, để hỗ trợ tốt cho ngành công nghiệp và ngược lại. Thành phố mới Bình Dương chính là điểm nhấn quan trọng nhằm giải quyết bài toán khó về phát triển ngành thương mại, dịch vụ trong quá trình tìm tòi hướng đi mới của mình.
Thành phố mới Bình Dương chính là một điểm nhấn tạo ra sức lan tỏa về phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị của Bình Dương trong tương lai. Đồng thời cũng là dấu ấn làm thay đổi mô hình tăng trưởng về kinh tế. Từ cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, sẽ chuyển dần tăng trưởng về phát triển dịch vụ, thương mại và khoa học công nghệ. Đây chính là nhân tố làm tăng giá trị nền kinh tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững mà tỉnh Bình Dương đang hướng tới. Dự án thành phố mới BD được chính thức triển khai đầu tư xây dựng cách đây 4 năm, đây là một khoảng thời gian rất ngắn, lại nằm trong thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước. Song việc thu hút các nguồn lực vào đầu tư xây dựng thành phố mới Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay thành phố mới đã xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống đường giao thông, công viên, cây xanh, hệ thống điện, cáp quang, thoát nước, cấp nước và trung tâm thể dục thể thao. Ngòai ra, hàng chục dự án khác về đầu tư xây dựng các khu chung cư cao cấp, nhà phố, trung tâm thương mại và giáo dục đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng nhiều dự án khác đang tiếp tục được triển khai.
Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang và hiện đại, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa hiện đại hóa. Thành phố mới Bình Dương sẽ là hạt nhân quan trọng tiếp tục tạo ra sức lan tỏa, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội Bình Dương không ngừng phát triển. Trong đó sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, góp phần đưa nền kinh tế BD phát triển ổn định và bền vững trong tương lai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét